Giải bài hình olympic chuyên KHTN 2024 bằng phương pháp tọa độ

Trong kì thi Olympic chuyên KHTN năm 2024 có bài toán hình học khá hay liên quan đến chứng minh yếu tố không đổi. Bài viết này trình bày lời giải tự nhiên sử dụng phương pháp tọa độ cho bài toán.


Nội dung bài toán

Cho hai đường tròn $(O_1)$ và $(O_2)$ cố định (có bán kính khác nhau), cắt nhau tại $A$ và $B.$ Điểm $P$ di chuyển trong đoạn thẳng $O_1O_2$ (không trùng với các đầu mút). Đường thẳng qua $A$ vuông góc $AB$ cắt $(O_1)$ và $(O_2)$ tương ứng tại $M$ và $N$ (khác $A$). Giả sử đường thẳng qua $B$ vuông góc $PB$ luôn cắt hai đường thẳng $PM$ và $PN$ lần lượt tại $C$ và $D.$ Chứng minh rằng góc tạo bởi hai đường thẳng $AC$ và $AD$ luôn không đổi.

Lời giải.
Chọn hệ trục tọa độ $Oxy$ như hình vẽ, trong đó $A=(0,0),$ $B=(0, 2b),$ $M=(m, 0)$ và $N(n, 0),$ rõ ràng $O_1O_2$ là đường trung trực $AB$ nên $O_1O_2:\ y=b,$ kéo theo điểm $P=(p, b)$ (ở đây $p$ là đại lượng thay đổi).
Ta có $DC$ đi qua $B$ và nhận $\overrightarrow{BP}=(p, -b)$ là véc tơ pháp tuyến nên có phương trình $$p(x-0)-b(y-2b)=0 \Leftrightarrow px-by=-2b^2.$$ Tính được $\overrightarrow{MP}=(p-m, b),$ đường thẳng $PM$ đi qua $M$ và nhận $\vec{n}=(b, m-p)$ là véc tơ pháp tuyến nên có phương trình $$b(x-m)+(m-p)(y-0)=0 \Leftrightarrow bx+(m-p)y=bm.$$ Như vậy, tọa độ của $C$ là nghiệm của hệ phương trình $$\begin{cases} px-by=-2b^2 \\ bx+(m-p)y=bm \end{cases}$$ Sử dụng công thức Cramer, tính được $$\begin{aligned} D & = \begin{vmatrix} p & -b\\ b & m-p \end{vmatrix} =p(m-p)+b^2=b^2+pm-p^2 \\ D_x & = \begin{vmatrix} -2b^2 & -b\\ bm & m-p \end{vmatrix} =-2b^2(m-p)+b^2m=b^2(2p-m) \\ D_y & = \begin{vmatrix} p & -2b^2\\ b & bm \end{vmatrix} =pbm+2b^3=b(pm+2b^2)\end{aligned}$$ Như vậy $x_C=\frac{b^2(2p-m)}{b^2+pm-p^2}$ và $y_C=\frac{b(pm+2b^2)}{b^2+pm-p^2},$ đến đây ta chọn được $$\vec{u}_{AC}=(b(2p-m), pm+2b^2)$$ Do vai trò của $M, N$ là như nhau nên $\vec{u}_{AD}=(b(2p-n), pn+2b^2),$ từ đó $$\begin{aligned} \vec{u}_{AC}\cdot\vec{u}_{AD} & = b^2(2p-m)(2p-n)+(pm+2b^2)(pn+2b^2) \\ & = (b^2+p^2)(4b^2+mn) \\ |\vec{u}_{AC}| & =\sqrt{b^2(2p-m)^2+(pm+2b^2)^2} \\ & =\sqrt{(b^2+p^2)(4b^2+m^2)}\\ |\vec{u}_{AD}| & =\sqrt{b^2(2p-n)^2+(pn+2b^2)^2} \\ & =\sqrt{(b^2+p^2)(4b^2+n^2)} \end{aligned}$$ Thay vào tính được $$\cos(\vec{u}_{AC},\vec{u}_{AD})=\frac{\vec{u}_{AC}\cdot\vec{u}_{AD}}{|\vec{u}_{AC}|\cdot|\vec{u}_{AD}|}=\frac{4b^2+mn}{\sqrt{(4b^2+m^2)(4b^2+n^2)}}$$ Nhận thấy, $\cos(\vec{u}_{AC},\vec{u}_{AD})$ không phụ thuộc vào $p,$ từ đó góc giữa hai đường thẳng $AC, AD$ luôn không đổi.